Khi mà thời kỳ hoàng kim của game thùng ở phương Tây đã qua lâu, thì ở Nhật Bản, những trò chơi này vẫn đang phát triển mạnh mẽ. Từ các khu phức hợp nhiều tầng ở trung tâm thành phố nhộn nhịp đến các tòa nhà phòng đơn ở các thị trấn nhỏ, đâu đâu cũng thấy những khu vui chơi game thùng. Nếu tình cờ đi vào một khu game thùng vào buổi tối sau giờ tan tầm, bạn hẳn sẽ bắt gặp những nhân viên văn phòng mặc vest cùng những học sinh trung học trong bộ đồng phục đang tham gia các trò chơi nhịp điệu, gắp thú hay các trò chơi điện tử vui nhộn khác. Dù người Nhật cũng thích trò chơi trên điện thoại và máy chơi game tại nhà nhưng game thùng vẫn đóng một vai trò vô cùng quan trọng và máy chơi game cũng như các trò chơi mới vẫn thường xuyên được cập nhật tại đây.
Lịch sử của game thùng bắt nguồn từ sự phát triển của các trung tâm thương mại. Ở Nhật Bản, cũng giống như phương Tây, giai đoạn chuyển giao sang thế kỷ 20 đã chứng kiến sự phát triển của những khu trung tâm thương mại cũng như sự sáp nhập của rất nhiều cửa hàng địa phương về cùng một khu mua sắm khổng lồ. Tuy ban đầu chỉ là một nơi để mua sắm nhiều loại hàng hóa và quần áo, các trung tâm này bắt đầu phát triển thành một loại hình giải trí mới vào giữa thế kỷ 20. Ở Nhật Bản, các cơ sở giải trí này gồm các khu vui chơi giải trí trên sân thượng, gồm nhiều quầy hàng nhỏ, ki-ốt và máy chơi game chủ yếu dành cho trẻ em, còn một số trung tâm thương mại lớn hơn có thể thêm các trò chơi khác.
Với sự phát triển về công nghệ điện tử trong những năm 60 và 70, các cửa hàng bách hóa này là một trong những nơi đầu tiên ra mắt những chiếc máy chơi game đời mới, thường ở trên tầng thượng cùng với những trò chơi thú vị khác. Đặc biệt là sau khi trò chơi Space Invaders nổi tiếng được phát hành, các trò chơi điện tử đã thống trị tầng thượng ở các trung tâm thương mại và ngay sau đó toàn bộ khu vực giải trí đã được chuyển vào trong nhà. Sau đó, những khu vực dành riêng cho trò chơi điện tử đã ra đời và đó chính là những khu game thùng đầu tiên. Ngày nay, bạn vẫn có thể bắt gặp dấu tích của một số khu trò chơi điện tử cũ này trên tầng thượng tại các trung tâm thương mại ở Nhật Bản, thường là một góc nhỏ với một vài chiếc máy chơi game ở tầng cao nhất tại trung tâm thương mại.
Đó là sở thích chơi game của người dân Nhật Bản và sự ủng hộ của các công ty trò chơi. Các trò game arcade khi xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới đã ngay lập tức đạt thành công vang dội ở Nhật Bản. Điều này đã tạo ra một nền văn hóa game thùng “ăn sâu” vào nếp sống và không giống như ở phương Tây, văn hóa này không hề biến mất khi máy chơi game tại nhà xuất hiện. Trong khi các game thủ Âu Mỹ thích chơi tại nhà thì các game thủ Nhật Bản lại coi 2 loại hình game này như hai hệ thống riêng biệt: các khu game thùng là để chơi game thùng, còn máy chơi game tại nhà là để chơi loại game khác. Cứ như thế, nền văn hóa này không bao giờ biến mất và nhiều game thủ vẫn thường xuyên ghé thăm các khu game thùng để chơi các trò chơi không thể chơi tại nhà.
Cùng với đó là sự ủng hộ rộng rãi của các công ty trò chơi. Những tên tuổi lớn như Konami và Bandai vẫn thường xuyên ra mắt các nội dung game thùng mới. Đây thường là phần tiếp theo của các trò chơi cũ, các biến thể mới của một thể loại đã có tên tuổi hoặc các trò chơi hoàn toàn mới. Nhờ thế, các game thủ ở Nhật Bản có rất nhiều trò chơi mới để trải nghiệm và điều này giúp cho các trò chơi arcade luôn mới mẻ và thú vị. Người chơi game ở bất kỳ độ tuổi nào cũng bị cuốn hút bởi những khu chơi game arcade sau giờ làm việc hoặc tan học để giải trí vào buổi tối.
Khi chọn một khu chơi game arcade ở Nhật Bản, cụ thể là ở Tokyo, bạn sẽ có 3 lựa chọn phổ biến nhất là Sega, Taito và Round1. Nhìn chung, những nơi này có các kiểu trò chơi và cách bố trí khá giống nhau (trò chơi may rủi ở tầng dưới, trò chơi kỹ năng ở tầng trên). Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt nhỏ giữa các khu game thùng này mà bạn cần lưu ý để chọn lựa nơi phù hợp với mình.
Sega và Taito là hai hệ thống có trò chơi riêng. Sega thuộc sở hữu của công ty Sega, còn Taito thuộc sở hữu của Square Enix. Do đó, bạn sẽ chỉ thấy các trò chơi và thương hiệu độc quyền của Sega ở khu Sega và của riêng Square Enix ở Taito. Nếu bạn thích một chuỗi trò chơi cụ thể nào đó thì hãy xem thương hiệu của trò chơi này là công ty nào để đi đến khu chơi game tương ứng.
Trong khi đó, Round1 có trò chơi của tất cả các thương hiệu nên rất đa dạng. Nếu bạn muốn trải nghiệm thật nhiều trò chơi thì Round1 sẽ là sự lựa chọn phù hợp dành cho bạn. Tuy nhiên, không hẳn tất cả các trò chơi yêu thích của bạn sẽ xuất hiện tại Round1. Tuy nhiên, Round1 cũng có nhiều trò truyền thống như bi-a, phi tiêu và thậm chí là bowling nữa.
Trong mỗi khu game arcade, bạn đều có thể mua thẻ thành viên dùng riêng tại khu đó. Những thẻ này chỉ được sử dụng tại một thương hiệu nhất định, chẳng hạn như thẻ thành viên Sega sẽ chỉ cho phép bạn chơi tất cả các trò chơi của Sega hoặc chỉ áp dụng với một loạt trò chơi nhất định. Thẻ thành viên thường có giá từ 300 đến 500 yên.
Hầu hết các khu arcade đều thuộc sở hữu của ba thương hiệu lớn này, nhưng tất nhiên cũng có nhiều khu arcade khác với quy mô nhỏ hơn ở các khu vực ít dân cư.
Các khu game thùng có rất nhiều trò chơi, từ trò chơi nhịp điệu và thể thao cần kỹ năng cho đến các trò chơi may rủi như gắp thú và máy bán đồ lưu niệm. Bất kể sở thích của bạn là gì, chắc chắn sẽ có ít nhất một trò chơi dành cho bạn. Dưới đây là những loại trò chơi bạn sẽ tìm thấy trong một khu arcade điển hình ở Nhật Bản.
Là một hoạt động giải trí hơn là một trò chơi, Purikura là những quầy chụp ảnh tự động, nơi mọi người (thường là trẻ em và thanh thiếu niên) có thể đến mặc những bộ trang phục mà mình yêu thích, trang điểm và chụp ảnh cùng nhau. Chiếc máy này chỉ đơn giản là một gian phòng nhỏ, nơi bạn có thể tụ tập với bạn bè và cùng nhau chụp ảnh. Bạn có thể chọn số lượng và kích thước hình ảnh (hầu như chỉ nhỏ đủ để nhét trong ví). Sau khi làm theo hướng dẫn và chụp ảnh, bạn sẽ cần đến chiếc một máy tính được kết nối với máy chụp ảnh để chỉnh sửa ảnh, thêm hiệu ứng hoặc bất kỳ thứ gì khác mà bạn muốn. Sau đó, ảnh sẽ được in ra và hầu như nơi nào cũng có một quầy nhỏ cho bạn mượn kéo và keo dán để cắt ảnh và chia với bạn bè.
Cho đến nay, máy gắp thú là một trong những loại máy phổ biến nhất ở các khu game thùng. Cũng giống như ở phương Tây, những cỗ máy này sẽ có nhiều loại giải thưởng khác nhau mà bạn phải gắp được và thả vào một máng dẫn ra bên ngoài.
Những chiếc máy này có một số loại khác nhau ở Nhật Bản, nhưng hầu hết sẽ có 2 hoặc 3 chân gắp và hoạt động dựa trên hệ thống 2 loại nút bấm. Thay vì hướng cần trục đến vị trí mong muốn và nhấn nút để thả, bạn sẽ có hai nút để nhấn. Một nút để điều khiển cho cần trục di chuyển trên trục trái-phải và nút còn lại để điều khiển cần trục di chuyển trên trục trước sau. Như vậy, bạn sẽ phải căn kĩ hơn so với kiểu máy có cần điều khiển và một nút bấm. Những chiếc máy này có giải thưởng rất đa dạng: từ gấu bông, vật trang trú và trò chơi cho đến chăn, đồng hồ, v.v.
Trò chơi nhịp điệu là trò chơi năng động nhất trong số các loại game thùng, cả về cách chơi cũng như doanh thu mà chúng mang lại. Các trò chơi nhịp điệu mới liên tục được phát hành. Một số trò chơi có thể liên tục duy trì hàng tháng đến hàng năm, nhưng cũng có những trò chơi thường xuyên được thu hồi và thay thế khi không còn phổ biến hoặc khi có những trò mới phát hành. Những trò chơi này kế thừa từ các trò chơi như Dance Dance Revolution, mặc dù không phải tất cả các trò chơi đó đều yêu cầu người chơi sử dụng toàn bộ cơ thể.
Hầu hết các trò chơi nhịp điệu chỉ cần bạn cử động tay, nhưng đều đòi hỏi sự phối hợp và kỹ năng khá tốt để đạt điểm cao. Bạn có thể chơi đàn organ, gõ vào bóng đèn theo vòng tròn xung quanh màn hình hoặc thậm chí chơi taiko (trống truyền thống của Nhật Bản), tất cả đều là những trò mà nếu muốn thành thạo thì cần phải luyện tập thường xuyên. Để làm được điều này, bạn sẽ thấy những người chơi, đặc biệt là học sinh trung học, dành cả buổi tối để luyện tập các trò chơi này. Họ thường đeo găng tay do phải gõ liên tục khi luyện tập.
Một số trò chơi nhịp điệu phổ biến có thể kể đến là: Maimai, Taiko, Wacca và Pop ‘n Music.
Đây là danh mục tổng hợp các trò chơi không thuộc vào bất cứ một thương hiệu nhất định nào nhưng hiện vẫn rất phổ biến tại tất cả các khu game thùng. Những trò chơi này bao gồm bàn khúc côn cầu trên không, vòng ném bóng rổ, trò đua xe như Mario Kart, trò bắn súng, v.v. Đây là những loại trò chơi đòi hỏi kỹ năng giống trò chơi nhịp điệu, nhưng không đòi hỏi nhiều vận động thể chất mà dựa vào phản xạ, trí nhớ và khả năng căn thời gian chính xác. Đây là những trò dễ chơi nhất và thường sẽ tại bất kỳ khu game arcade nào của Nhật Bản.
Hầu hết những trò thẻ bài đều chỉ có ở Nhật Bản. Quốc gia này vẫn có một thị trường buôn bán thẻ bài sôi động do có rất nhiều thanh thiếu niên chơi các trò sưu tầm thẻ bài tại đây. Những trò chơi thẻ bài ở khu game arcade cũng là một biến thể của trò chơi thẻ bài điện tử. Tuy trò chơi này vốn là một trò chơi điện tử: bạn trả tiền để chơi trên màn hình bằng bộ điều khiển hoặc các nút được tích hợp trên thùng game, nhưng khi giành chiến thắng hoặc hoàn thành một chặng, máy sẽ tặng cho bạn những thẻ bài có thể mua đi bán lại. Sau đó, bạn có thể dùng những thẻ bài này trong những lần chơi sau để tăng sức mạnh trong trò chơi, cho phép bạn thực hiện các nhiệm vụ khó hơn.
Ngoài ra, người ta thường cung cấp cho bạn một tấm thẻ đặc biệt để lưu lại tiến trình chơi, giúp bạn không phải bắt đầu lại từ con số 0 mỗi khi bắt đầu một lần chơi mới. Bằng cách này, trò chơi thẻ bài ở khu game thùng cũng giống như máy chơi game tại nhà, chỉ có một điểm khác biệt là nó còn có thẻ bài giao dịch để bạn mua và trao đổi quyền lực trong game với bạn bè bên ngoài trò chơi.
Đối với hầu hết các trò chơi đòi hỏi kỹ năng, không có chiến lược gì ngoài việc chơi đi chơi lại trò chơi cho đến khi thành thạo. Trò chơi nhịp điệu đòi hỏi sự phối hợp giữa tay và mắt cũng như khả năng nắm bắt thời gian tốt, còn những trò chơi khác hầu như chỉ đòi hỏi các kỹ năng tương tự với trò chơi điện tử, tức là biết được điều gì sắp xảy ra và lên kế hoạch để ứng phó.
Bạn có thể áp dụng một số chiến lược nhất định trong trò chơi gắp thú. Một trong những điều cơ bản nhất là máy được lập trình để một món quà sẽ được đưa ra sau một số lần chơi nhất định, có nghĩa là nếu bạn cứ kiên trì chơi ở một máy thì một lúc nào đó chiếc cần gắp sẽ tăng sức mạnh và giúp bạn nhận được phần thưởng. Tất nhiên, bạn có thể sẽ phải chi nhiều tiền để được chơi hơn giá trị thực tế của món quà, và như thế là hạ sách.
Sẽ khôn ngoan hơn khi làm từng bước một. Đừng mong đợi rằng bạn có thể di chuyển phần quà đến tận máng thả chỉ trong một lần chơi duy nhất. Thay vào đó, hãy dùng một vài lần chơi để từng bước đưa phần thưởng tới gần hơn hoặc ở góc độ dễ gắp hơn. Nếu phần thưởng là hình hộp hoặc có các góc cạnh thì thường sẽ khó gắp hơn bạn tưởng, cần nhiều bước chuẩn bị để di chuyển đến máng thả. Khi thả cần trục, đừng nhắm vào tâm ở giữa hai chân gắp, vì có một khoảng trống và hai chân gắp không nối liền với nhau. Thay vào đó, hãy nhắm lệch tâm, sao cho khi chân gắp mở ra rồi đóng lại, phần giải thưởng bạn đang định gắp vào sẽ ở giữa một chân gắp để đảm bảo bạn có thể tiếp xúc với nó.
Điều quan trọng nhất là phải biết điểm dừng! Như đã đề cập ở trên, bạn rất dễ mắc vào vòng luẩn quẩn cố lần nữa rồi thêm một lần nữa, tới mức thà đi ra ngoài mua một giải thưởng còn rẻ hơn là tiếp tục chơi để gắp bằng được. Một số giải thưởng hoặc một số vị trí đặt giải thưởng (như giải thưởng có hình hộp không nghiêng so với cần trục) sẽ khó mà lấy được nếu nhân viên cửa hàng không giúp bạn điều chỉnh lại vị trí. Hãy đặt ra số lần chơi nhất định trước khi tham gia một trò chơi và dừng lại sau khi đã chơi hết số lần đó. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền bạc.
Cho dù bạn chơi để lấy giải thưởng, để chụp ảnh, hay trải nghiệm các trò chơi nhịp điệu, trò chơi thông thường hay thậm chí chỉ để tận hưởng bầu không khí sôi động tại nơi đây thì các khu game thùng ở Nhật Bản vẫn luôn rất thú vị và đáng để bạn ghé thăm trong chuyến đi đến Nhật Bản. Hãy cùng hoà mình vào văn hóa chơi game công cộng độc đáo và phát triển mạnh mẽ này của Nhật Bản nhé!
Đăng bởi: Trần Văn Thành