Nhảy lò cò là một trò chơi tập thể theo lượt từng người một, nên không giới hạn người chơi. Tuy nhiên, nên chơi tối đa 5 người chơi trên một ô chơi. Vì việc vẽ ô chơi nhảy lò cò khá đơn giản, nên khi có số người chơi lớn hơn, vẽ thêm ô chơi khác để người chơi không phải chờ quá lâu để đến lượt.
Trò chơi nhảy lò cò là trò chơi vận động có những hoạt động chạy, nhảy, vì vậy nên chọn không gian chơi bằng phẳng, rộng rãi, đồng thời có thể dễ dàng vẽ ô chơi được, ví dụ sân trường, sân chơi…
Không gian chơi Nhảy lò cò là một ô chơi gồm 10 ô vuông. Dùng phấn, than, hoặc đầu que nhọn để vẽ xuống nền sân chơi những đường thẳng giao nhau để tạo thành các ô vuông. Diện tích các ô vuông đủ rộng để một người chơi có thể đứng cả hai chân vào trong hoặc một lần bật nhảy có thể chuyển sang được ô khác liền kế. Diện tích đề xuất nên là các ô vuông 30×30 cm hoặc 40x40cm.
Có rất nhiều biến thể ô chơi Nhảy lò cò, bạn có thể chọn một số mẫu sau để chơi:
Chì hay chàm là một vật nhỏ, cầm vừa tay. Người chơi sẽ cầm Chàm để ném vào các ô có số theo từng lượt chơi. Chàm có thể là một túi đậu, vỏ hạt, viên gạch nhỏ…
– Những người tham gia chơi tiến hành oẳn tù tì để sắp xếp thứ tự chơi trước sau. Người chơi dành chiến thắng sẽ là người chơi đi đầu tiên.
– Mỗi người chơi sẽ bắt đầu lượt của mình bằng cách tung Chàm vào ô số 1. Sao cho Chàm rơi đúng vào ô, không được chạm vạch kẻ ô hoặc bị bắn ra ngoài hoặc sang ô khác. Nếu không tung trúng Chàm, người chơi mất lượt.
– Sau khi tung được Chàm, người chơi bắt đầu tiến hành nhảy lò cò theo quy luật sau: người chơi nhảy vào tất cả các ô trừ ô có chứa Chàm ( ví dụ lượt đầu tiên thì người chơi bật nhảy luôn vào ô số 2) ; với ô đơn người chơi chỉ được đặt một chân vào ô, chân còn lại co lên. Với ô kép người chơi đặt mỗi bên chân ở một ô, chân phải ô phải, chân trái ở ô bên trái.
– Trong quá trình nhảy, người chơi không đứng mất thăng bằng, chạm vào vạch kẻ ô, nhảy sai ô, chạm tay xuống đất… thì đều coi là phạm quy và mất lượt. Người chơi cũng không được phép dừng lại ở một ô quá 60 giây.
– Sau khi đi hết một lượt từ ô số 1 đến ô số 10. Tại ô số 10, người chơi bật nhảy để quay lại đằng sau nhưng vẫn phải đảm bảo các quy tắc như không được chạm vạch hay mất thăng bằng bị ngã… Rồi tiếp tục thực hiện vòng về. Khi đến ô số 2, tức ô liền kề với ô đã ném Chàm vào, người chơi cúi xuống và nhặt Chàm lên. Sau đó bật nhảy về vị trí ban đầu.– Nếu sau 1 lượt, người chơi không phạm quy và hoàn thành hết lượt như trên, người chơi bắt đầu lượt mới bằng cách ném chàm vào ô số 2, và tiếp tục thực hiện 1 lượt mới. Nếu người chơi phạm quy, sẽ đến lượt của người chơi tiếp theo. Người chơi tiếp theo có thể chơi tại bàn mà họ bị dừng ở lượt chơi trước của mình.
– Sau khi một người chơi chơi hết 10 ô chàm, người chơi này sẽ có quyền Cất nhà. Người chơi đứng ở điểm xuất phát, quay lưng lại so với ô nhảy. Người chơi tung Chàm ra đằng sau. Nếu Chàm rơi vào ô nào ( không nhất thiết phải rơi vào giữa ô, có thể chạm vạch ra ngoài), ô đó sẽ trở thành Nhà của người chơi này. Nếu Chàm rơi vào ranh giới hai ô thì Chàm nằm trên ô nào nhiều hơn thì Nhà sẽ là ô đó. Nếu Chàm rơi ra ngoài không trúng ô nào thì người chơi mất lượt ném Nhà.
– Dùng phấn đánh dấu ô Nhà của người chơi. Từ các lượt tiếp theo, khi người chơi này nhảy tới ô Nhà, người chơi có quyền nhảy chụm 2 chân để nghỉ tại đây 60 giây. Còn những người chơi khác thì không được phép nhảy hay tung Chàm vào ô này.
Một số biến thể của trò chơi đó là chơi theo hai nhóm người chơi.
Mỗi nhóm sẽ chia đều số lượng người chơi. Các thành viên của hai nhóm chơi sẽ chơi xen kẽ nhau. Người chơi sau của cùng một nhóm sẽ bắt đầu từ bàn mà người chơi trước mất lượt.
Điều này sẽ làm tăng tinh thần đồng đội đồng thời giúp các người chơi yếu hơn có thể bắt cặp với những người chơi tốt hơn làm tăng tính cân bằng của trò chơi.
Trong cuộc, người chơi tuân theo những quy tắc căn bản, còn có thể thêm những giao ước khó hơn. Tùy vào từng vùng miền, địa phương, các quy định chơi Nhảy lò cò có thể bao gồm:
– Không thảy chàm vào ô có nhà, đụng chàm nhau hay lấy nhầm chàm; Không được thay chàm trong khi chơi.
– Không thay đổi chân cò trong suốt lượt đi; Không chống hai tay hoặc chụm đứng hai chân cúi lượm chàm, không chạm tay vào đường kẻ, không lượm rơi chàm.
– Khi thảy chàm cất nhà phải xướng lớn: Thảy đất cất nhà Một- Hai- Ba…
– Chỉ được tung chàm không quá ba lần khi cất nhà
– Thảy chàm cất nhà vào nơi nhà mình đã có trước thì bị cháy nhà.
– Miếng sứt ra từ đồng chàm chạm vào đường kẻ cũng bị mất lượt.
– Tăng gấp đôi quãng đường cất nhà bằng cách đi ngược lại các mức.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Hướng dẫn cách chơi Nhảy Ô – Nhảy lò cò ( Lò cò bẹp) do Tamquocchess sưu tầm. Mong rằng các bạn có những thông tin bổ ích nhé. Mọi thông tin khiếu nại về bản quyền vui lòng liên hệ contact để xử lý nhanh nhất nhé. Cảm ơn các bạn.