iPod không phải là điện thoại, nhưng vẫn xứng đáng được xem là một thiết bị di động khi một thời chúng ta dính chặt lấy chiếc tai nghe và thiết bị tân tiến này. Và hãy thú nhận đi, bạn đâu chỉ ôm iPod nghe nhạc, mà còn ngồi chơi Parachute
nữa đúng không!
Trong trò này bạn sẽ phải bắn hạ những chiếc máy bay thả bom, không để những quả đạn rơi xuống và làm hư hỏng căn cứ của mình. Dùng vòng xoay để nhắm và bắn bằng nút giữa trên máy iPod, chỉ thế thôi bạn đã có thể bỏ hàng giờ để rị mọ dưới màn hình bé xíu của cái iPod. Và bạn phải thừa nhận, chỉ có với vòng xoay điều khiển của iPod mới có thể được tận dụng cho trò này. Quả là một thiết kế thông minh, và game mobile này sẽ luôn là một phần khó quên với những ai từng sở hữu một chiếc iPod.
Parachute
Pocket Carrom là một tựa game bida đình đám ở thời điểm đó. Luật chơi cũng không khác gì các trò chơi bida khác với hai lượt chơi đối kháng. Chỉ với các phím điều hướng 2, 4, 6, 8 và phím 5 để điều chỉnh lực bắn và thực hiện lệnh bắn, Pocket Carrom cũng mang lại cho người chơi cảm giác gay cấn hồi hộp, đòi hỏi người chơi phải tính toán tỉ mỉ để giành thắng lợi.
Pocket Carrom
Với những con dân thời 8x 9x, trò xếp gạch không có gì xa lạ, chúng ta đã có một tuổi thơ bấm bấm trên chiếc máy xếp gạch bằng nhựa chạy pin 3A hay chuỗi ngày chơi NES hết Mario lại tới Xếp Gạch. Cũng chính Nintendo là công ty đầu tiên đem trò chơi huyền thoại (có nguồn gốc từ Nga) này lên các thiết bị Game Boy, với hiệu ứng “gây nghiện” của mình, đây là trò chơi xuất hiện trên hầu hết các thiết bị chơi game trong lịch sử, và tất nhiên không thể bỏ qua sự sát phạt trên điện thoại di động.
Luật chơi hầu như ai cũng biết: với 7 loại “gạch” có hình dạng khác nhau xuất hiện ngẫu nhiên, bạn phải xoay chuyển và sắp xếp sao cho chúng tạo thành một hàng khít để triệt tiêu từng hàng, còn nếu vụng về để gạch chồng tới nóc thì game over. Nghe thật máy móc và nhàm chán, vậy mà Xếp Gạch đã sống qua biết bao thế hệ, thậm chí còn là tựa game mobile được download nhiều nhất theo thống kê vào tháng 1 năm 2010, với hơn 100 triệu lượt tải từ ngày thuộc về EA vào năm 2005.
Tetris – Game Xếp Gạch
Bên cạnh Snake Xenzia và Bounce, thì Rapid Roll cũng là một tựa game đi vào kí ức tuổi thơ của thế hệ 8x, 9x đời đầu. Đây là trò chơi thử thách trí nhanh nhạy của người chơi, sử dụng các phím sang hai bên để di chuyển qua các tấm ván. Nếu không nhanh và khéo léo, bạn sẽ bị rơi xuống, hoặc đáp nhầm vào tấm ván có đinh. Điểm khó của Rapid Roll chính là tốc độ chơi game sẽ tăng dần theo thời gian chơi. Trải nghiệm tốc độ cao ở Rapid Roll sẽ mang đến những trải nghiệm hồi hộp nhất. Bên cạnh đó, tựa game này cũng không có điểm kết, ngoại trừ bạn tự vướng phải sai lầm và game over mà thôi.
Rapid Roll
Nhiều năm sau khi những chiếc điện thoại màn hình màu bắt đầu nở rộ, Nokia tiếp tục ra mắt tựa game Bounce để có thể khoả lấp thành công rực rỡ của Snake Xenzia. Bounce mang đến cho người dùng trải nghiệm chơi game thú vị hơn với âm thanh đa dạng, lối chơi bắt mắt và màu sắc rực rỡ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì tựa game này cũng đã có mặt trên các cục gạch Nokia đen trắng.
Nhiệm vụ của người chơi là lăn bóng vượt qua các chướng ngại vật và ăn các vòng tròn lấy điểm để đủ điều kiện qua bàn. Trên đường đi sẽ người chơi sẽ phải tránh đinh ở trên tường và dưới sàn, tránh các chướng ngại vật di động, đồng thời phải khéo léo bơm hơi để bóng nổi hoặc bay cao hơn, hay hút hơi để bóng gọn gàng hơn, tận dụng các địa hình đặc biệt như nhảy cao hay bể nước để di chuyển và đến được những chỗ hiểm hóc.
Bounce
Space Impact dẫn chúng ta về những ngày vàng son của những chiếc điện thoại di động trắng đen thời kì đầu. Xuất hiện trên hầu hết các máy Nokia và nhất là chiếc Nokia 3310 “vang bóng một thời”, tuy so với những game bắn súng vũ trụ hiện nay nó thật cổ lổ sĩ nhàm chán, nhưng ở thời đại của mình, Space Impact thật sự là một sự bùng nổ. Cũng chỉ đơn thuần là lái tàu vũ trụ và tiêu diệt những phi thuyền ngoài hành tinh xuất hiện xâm lăng, nói một cách công bằng đây không phải là một game quá xuất sắc, chưa kể độ phân giải trắng đen của màn hình điện thoại sẽ dễ khiến bạn đau đầu khi chơi nó quá lâu; nhưng điều đáng phải tán dương, là Space Impact đã voợt qua ranh giới những gì có thể cho một game mobile lúc đó. Một game với độ dài, độ phức tạp và kết cấu vượt xa thời đại của mình, nên dẫu không hoàn hảo xuất sắc, Space Impact vẫn là một đại diện cần được nhắc đến.
Space Impact
Trong những năm 1997 khi mà những chiếc điện thoại Nokia đang lên ngôi thì game rắn săn mồi được người chơi trên di động cực kỳ ưa chuộng, hầu như nhắc đến từ “rắn săn mồi” là ai cũng biết đến game kinh điển này, chỉ có 2 màu đen trắng và lối chơi vô cùng đơn giản nhưng game đã khiến rất nhiều người say mê chơi và có được những điểm số không tưởng. Chắc hẳn các bạn không thể quên được thể loại game rắn săn mồi trên những chiếc điện thoại Nokia cổ ngày xưa rất đơn giản những cuốn hút người chơi. Đây cũng là một trong những game đầu tiên xuất hiện trên điện thoại, ra đời vào năm 1997 và làm theo game thùng của Gremlin Industries (1976). Với luật chơi đơn giản hết sức có thể, bạn sẽ điều khiển con rắn “ăn” thức ăn trên màn hình, làm sao để rắn không đụng vào tường, chướng ngại vật hay cắn nhầm chính cơ thể mình. Nhưng điều khó khăn chính là mỗi khi ăn vào, con rắn lại dài ra thêm, và nguy cơ cạp nhầm chính mình sẽ càng cao hơn. Chính vì thế, tuy có luật chơi đơn giản nhưng Snake lại đầy thử thách, đã có ai từng chơi và vượt qua màn thứ 9 chưa ấy nhỉ? Game xuất hiện lần đầu trên chiếc Nokia 6110 kèm với chế độ chơi 2 người, quyết định này không chỉ đem tới thành công chiến lược cho hãng Nokia mà còn là bằng chứng rõ ràng nhất khả năng phát triển một thị trường game cho các thiết bị điện thoại di động.
Giờ đây trên Smartphone đã được lập trình viên dsd164 hồi sinh trên cả 3 hệ điều hành Android, iOS và Windows Phone để người dùng có thể sống lại tuổi thơ của mình. Nokia đã từng là hãng điện thoại vua và trên 350 triệu chiếc điện thoại của hãng sản xuất ra đều được tích hợp sẵn game rắn săn mồi này, mỗi khi rảnh rỗi thì game rắn săn mồi là game được chơi đầu tiên và thách thức người chơi vươn tới những điểm số cao.
Game Snake 97 được tái hiện lại y hệt tựa game rắn săn mồi trên những chiếc điện thoại Nokia thời xưa trên màn hình smartphone. Bạn chỉ cần điều khiển các phím số 2,4,6,8 để điều khiển chú răn ăn những con mồi xuất hiện trên màn hình làm sao để đầu của chú rắn không ăn vào bất cứ đoạn nào trên cơ thể mình hoặc đâm vào 4 vách tường, nếu không bạn sẽ thua cuộc. Mỗi lần ăn được mồi bạn sẽ ghi được điểm cho mình, tuy nhiên chú rắn ngày sẽ càng dài ra cho nên độ khó sẽ cũng từ đó mà tăng dần lên, việc tránh ăn phải cơ thể mình sẽ tăng lên. Rất nhiều người chơi nhớ game rắn săn mồi và lên các kho ứng dụng để tìm kiếm lại để chơi, tuy nhiên những game rắn đó đều được cải tiến theo phong cách hoàn toàn mới, khiến người dùng không có cảm giác hứng thú như trước, với Snake 97 bạn sẽ trở lại với game rắn săn mồi những năm 1997 cổ điển đã đi vào huyền thoại chắc chắn sẽ khiến bạn hài lòng.
Snake – Rắn săn mồi
Hiện nay hầu hết các tựa game trên đều đã có phiên bản dành cho smartphone, hãy nhanh chóng tải những tựa game trên về và tìm lại tuổi thơ đi nào. Chúc các bạn có những trải nghiệm chơi game vui vẻ!
Đăng bởi: Nguyễn Phương